fbpx

Blog & Events

ĐÃ LÀ NAM NHI CHỚ NÊN RƠI LỆ: THƯỚC ĐO BẢN LĨNH HAY SỰ NGUỴ TẠO TRUYỀN KHẨU?

Khóc không phải là hình thức “độc quyền” của bất kỳ ai, càng không phải là “hàng hiệu” của nữ giới khi mọi người ai cũng có tuyến lệ và những giọt nước mắt nằm sẵn trong đó! Đàn ông hay phụ nữ đều sẽ khóc bất cứ lúc nào có thể, nhưng đàn ông thường khóc vào những lúc tưởng chừng như không ai có thể khóc được. Cũng như phụ nữ, đàn ông cũng cần sự thấu cảm, sẻ chia và trên hết chính là được cho phép bản thân mình trút bỏ những muộn phiền nhiễu nhương bằng những giọt lệ tuôn rơi đôi bờ mi.

Đã tự bao giờ, sự nam tính, vẻ mạnh mẽ, chất uy phong đã được hình thành trong tâm trí của bao người một cách vô thức, như những chuẩn mực định hình cho người đàn ông. Đầu đội trời, chân đạp đất, vỗ ngực vương oai, người đàn ông nào cũng sẽ được xã hội và mọi người xung quanh chấp nhận nếu thoả mãn những điều kiện trên cùng hằng sa số “điều khoản ngầm” khác về tính cách, ngoại hình, tri thức, học vấn. Tất cả chỉ trừ việc họ rơi lệ.

Hoàn cảnh có thể cho phép người đàn ông vung tay,

nhưng chưa bao giờ cho phép đàn ông tuôn lệ

Chẳng rõ ai hay hoàn cảnh lịch sử nào đã cho phép 2 chữ “bản lĩnh” phủ quyết quyền được rơi lệ ở nam giới. Họ có thể buồn, có thể tức giận, có thể đập phá mọi thứ xung quanh, xã hội xem điều đó như lẽ thường tình. “Ừ thì con trai đứa nào chẳng cọc tính như đứa nào. Nổi đoá lên, đập phá một chút rồi cũng xong thôi!” Ấy vậy mà, chỉ cần thoáng thấy 1 bóng nam nhi nào tuôn lệ, dù vì chuyện gì, câu đầu tiên họ khẳng định đều sẽ luôn vị một lý do “chẳng xứng mặt đàn ông”.

GS Michael Kimmel (Đại học Stony Brook, New York, Mỹ), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu về giới tính từng chia sẻ rằng “Đàn ông phải chứng minh họ là đàn ông, phụ nữ thì không cần”. Theo GS Kimmel, đàn ông liên tục chịu áp lực để thể hiện mình là đàn ông. “Đi đứng, nói chuyện, cử chỉ, hành động với người khác phái… đều phải như một người đàn ông thực thụ”, Giáo sư nói.

Một nghiên cứu từ Đại học Mở (Anh) liên kết với Promundo (tổ chức chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) cho thấy đàn ông đang đối mặt với nhiều thứ mà xã hội kỳ vọng. Theo kết quả khảo sát, có đến 72% độ tuổi từ 20-24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối, dũng cảm và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống.

Dường như có một luật ngầm rằng đàn ông có nhiều việc phải gánh vác, nhiều thứ phải lo toan nên trong bất kỳ trường hợp khổ đau nào cũng không được phép rơi nước mắt. Nó làm một đấng mày râu trông có vẻ hơi yếu đuối, kém nam tính.

Chính bản lĩnh đàn ông đã ngăn những dòng lệ chứ không phải đàn ông không biết khổ đau, như vua hài Charlie Chaplin đã bày tỏ: “Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi đang khóc”.

Có người đi trao niềm vui cho kẻ khác, để rồi chỉ biết thu mình cho những niềm đau của chính mình

Đằng sau giọt nước mắt người ta hay liên hệ đến nữ tính, mặc dù về độ yêu thương và đau khổ thì chẳng ai dám nói đàn ông đàn bà, người nào hơn.

Xét về khoa học, khóc nói lên một trạng thái tâm lý vượt quá sự kiểm soát của con người. Buồn quá khóc, vui quá khóc, tức quá khóc, cảm động quá khóc, hạnh phúc quá khóc, đau quá khóc, sợ quá khóc.  Từ đó, người ta suy ra khóc là hành động gục ngã, bị cảm xúc đánh bại.

Về mặt sinh học, nước mắt là dung dịch tiết ra ở tuyến lệ, dùng lau sạch những bụi bẩn bám ở con ngươi của mắt, làm ướt và trôi đi (các dị vật bay vào mắt, nước bẩn tiếp xúc với mắt, hơi cay làm khô mắt). Nước mắt cũng có thể tiết ra do kích thích mắt liên tục như chớp mắt, dụi mắt, chạm vào mắt… Ngoài ra khi con người hoặc động vật ngáp thì tuyến lệ cũng tiết nước mắt.

Về mặt tâm lý, hầu hết mọi người cảm thấy dễ chịu hơn sau khi khóc, cũng có người cảm thấy tồi tệ hơn. Khóc không gây hại về thể chất, nhưng chắc chắn rằng giúp con người ta cảm thấy nhẹ lòng hơn vì ít ra cũng trút phần nào được những nỗi lòng của mình khi chưa tìm ra được giải pháp.

Thượng Đế đã trao cho con người quyền được tuôn lệ để bộc lộ cảm xúc,
vậy hà cớ gì ta lại để xã hội tước đi?

“Nước mắt” đàn ông không phải bao giờ cũng thể hiện ở dòng lệ. Họ khóc trong lòng và khóc một cách khó khăn hơn phụ nữ và trẻ em. Thử so sánh giữa một phụ nữ hay khóc lóc với một người đàn ông không khóc nổi, ai đau khổ hơn ai?

Đàn ông không hay bộc lộ ra ngoài những tình cảm mềm yếu, mong manh trong cảm xúc của mình. Nên đàn bà vẫn gọi những người đàn ông là phái mạnh, còn đàn bà là phái yếu, nghĩa là đàn bà mới là những người cần có đôi bờ vai mạnh mẽ của người đàn ông để có thể dựa vào, để tìm thấy cảm giác bình an và được chở che…

Nhưng thực tế, đàn ông cũng vậy, họ cũng cần có một bờ vai, có một vòng tay và những lời âu yếm khi họ cảm thấy yếu đuối và chơi vơi trong cuộc đời này ở một vài giây phút nào đó. “Sỏi đá” còn biết đau kia mà. Là người, ai chẳng có trái tim, ai chẳng có tâm hồn, ai chẳng từng rơi nước mắt.

Bởi thế, nước mắt đàn ông, đôi khi chính là sự mạnh mẽ, là bản ngã, khi họ dũng cảm đối diện với chính mình! Nước mắt rơi tựa huyết lệ là tất cả những gì chất chứa bấy lâu, những cay đắng, tủi cực phía sau những lung linh bề nổi. Là khi họ chỉ muốn yếu đuối trước người họ yêu, trước người thấu hiểu – nơi mà họ dành trọn sự tin tưởng của mình và ký thác sự yêu thương.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on reddit
Share on pinterest

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

YOU MAY ALSO LIKE

Get the latest information from us

@Fiestavietnam 2020