Giang mai là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI), do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Xét nghiệm gần như là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh. Ở bài viết này Fiesta xin chia sẻ với các bạn 4 cách xét nghiệm giang mai chẩn đoán giai đoạn bệnh trong bài viết dưới đây.
Bệnh giang mai có nguy hiểm không?
Bệnh giang mai có nguy hiểm không được kết luận dựa trên kết quả xét nghiệm huyết thanh trong từng giai đoạn, vị trí xoắn khuẩn tấn công và đối tượng mắc bệnh. Giang mai thời kỳ I và II được đánh giá không quá nguy hiểm vì có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, giang mai tiến triển sang giang mai kín, giang mai thời kỳ III, vẫn không được điều trị hoặc điều trị không đáp ứng rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Giang mai nguy hiểm nhất khi xoắn khuẩn Treponema pallidum tấn công hệ thần kinh, dẫn đến giang mai thần kinh, có thể xảy ra ở mọi giai đoạn bệnh. Gây đau đầu dữ dội, các vấn đề nghiêm trọng về cơ bắp và sức khỏe tâm thần, mất trí nhớ.
Bệnh giang mai làm tăng nguy cơ nhiễm HIV lên khoảng 2 lần, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như bệnh lậu, chlamydia, mụn rộp sinh dục,… Bệnh giang mai mắt có thể gây đau mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mù lòa. Bệnh giang mai tai ảnh hưởng đến thính giác và thăng bằng của người bệnh.
Bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng, chẳng hạn như thai chết lưu, tử vong sơ sinh, sinh non, nhẹ cân và các vấn đề sức khỏe bẩm sinh, suốt đời đối với trẻ bị nhiễm bệnh.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh giang mai khi phát sinh quan hệ tình dục. Một vài trường hợp có nguy cơ mắc giang mai cao, bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Có nhiều bạn tình.
- Là nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
- Bị nhiễm HIV.
- Quan hệ với người mắc giang mai.
- Đã xét nghiệm dương tính với một STI khác, chẳng hạn như chlamydia, lậu hoặc herpes.
- Phụ nữ có thai.
- Tiêm chích ma túy.
Xét nghiệm giang mai là gì?
Xét nghiệm là một thủ thuật y khoa được sử dụng để sàng lọc (tầm soát) và chẩn đoán bệnh giang mai, một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất. Bệnh lây qua quan hệ tình dục không an toàn bằng đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người bị nhiễm trùng. Nó cũng có thể truyền từ người đang mang thai sang con của họ.
Bệnh giang mai thường phát triển theo từng thời kỳ (giai đoạn). Mỗi giai đoạn có các triệu chứng khác nhau và có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Ban đầu, các triệu chứng nhẹ, người bệnh không nhận thấy chúng. Vì vậy, nhiều người mắc giang mai mà không biết và lây bệnh cho người khác.
Bệnh giang mai dễ chữa nhất ở thời kỳ I và II của nhiễm trùng. Nếu không được điều trị và phát triển đến giai đoạn muộn, bệnh có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho sức khỏe. Việc điều trị vẫn có thể giúp ích nhưng sẽ không khắc phục được tổn thương. Trong một số ít trường hợp, bệnh giang mai không được điều trị thậm chí có thể gây tử vong.
Xét nghiệm bệnh giang mai giúp chẩn đoán nhiễm trùng ở thời kỳ I và II, khi bệnh dễ chữa nhất. Phát hiện và điều trị nhiễm trùng sớm giúp ngăn ngừa lây bệnh giang mai. Bất kỳ ai có hoạt động tình dục đều nên đi xét nghiệm STD và STI thường xuyên, bao gồm cả bệnh giang mai, nhất là khi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Mục đích xét nghiệm giang mai để làm gì?
Mục đích xét nghiệm giang mai chính là tìm ra một số kháng thể nhất định như protein trong mẫu thử để sàng lọc và chẩn đoán bệnh giang mai. Xét nghiệm thường là xét nghiệm huyết thanh (xét nghiệm máu), bao gồm 2 bước.
Trong hầu hết các trường hợp, bước đầu tiên là xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra các kháng thể có liên quan đến nhiễm trùng giang mai. Nhưng những thứ khác có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể này, như các bệnh tự miễn, các bệnh nhiễm trùng khác và tiêm chủng. Các xét nghiệm sàng lọc bệnh giang mai thường bao gồm:
- Xét nghiệm reagin huyết tương nhanh (RPR), là xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm của Phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh hoa liễu (VDRL), có thể được thực hiện trên máu hoặc dịch tủy sống.
Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc cho thấy có kháng thể liên quan đến nhiễm trùng giang mai, người bệnh sẽ cần xét nghiệm bước thứ 2 để xác nhận xem mình có đang mắc bệnh giang mai hay không.
Mục đích của xét nghiệm bước thứ 2 là tìm kiếm các kháng thể mà hệ thống miễn dịch tạo ra chỉ để chống lại bệnh giang mai. Nếu có những kháng thể này, nghĩa là người bệnh hiện đang bị nhiễm trùng giang mai hoặc bị nhiễm trùng giang mai đã được điều trị trước đây (tái phát). Các xét nghiệm phổ biến để kiểm tra kháng thể giang mai bao gồm:
1. Xét nghiệm tầm soát giang mai gián tiếp
- Xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu.
- Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu.
2. Xét nghiệm tầm soát giang mai trực tiếp
- Soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi.
- Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA-direct fluorescent antibody).
- Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs – nucleic acid amplification tests)
3. Phương pháp xét nghiệm nhanh tầm soát giang mai
- Xét nghiệm nhanh đặc hiệu.
- Xét nghiệm nhanh không đặc hiệu.
- Xét nghiệm nhanh phối hợp.
Các xét nghiệm tầm soát trực tiếp ít được sử dụng hơn vì chúng chỉ có thể được thực hiện trong các phòng thí nghiệm chuyên nghiệp.
Trường hợp nào cần thực hiện xét nghiệm giang mai
Trường hợp cần xét nghiệm giang mai là những trường hợp đã có triệu chứng hoặc nghi nhiễm. Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng 2 – 3 tuần sau khi bị nhiễm trùng và bao gồm:
- Vết loét nhỏ, không đau (săng thương) ở bộ phận sinh dục, hoặc ở miệng, hậu môn hoặc trực tràng.
- Phát ban đỏ, thô ráp, thường ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn tay chân.
- Sốt.
- Nhức đầu hoặc đau cơ.
- Đau họng.
- Sưng hạch.
- Mệt mỏi.
- Sụt cân.
- Rụng tóc từng mảng.
Ngay cả khi không có triệu chứng, bạn vẫn nên đi xét nghiệm thường xuyên nếu có nguy cơ mắc bệnh giang mai cao. Phụ nữ mang thai cũng là trường hợp nên xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm bệnh giang mai trong lần khám thai đầu tiên. Những người mang thai có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh giang mai nên được xét nghiệm lại vào tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh.
Các phương pháp xét nghiệm GM được áp dụng hiện nay
1. Xét nghiệm gián tiếp
Đây là các xét nghiệm huyết thanh tầm soát gián tiếp bệnh giang mai, dựa trên mẫu bệnh phẩm là máu của người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng bệnh phẩm là huyết tương để chẩn đoán giang mai thời kỳ I và II. Trong trường hợp cần xét nghiệm chẩn đoán giang mai thần kinh, giang mai thời kỳ III, có thể dùng bệnh phẩm là dịch não tủy. Có 2 loại xét nghiệm huyết thanh: xét nghiệm không đặc hiệu và xét nghiệm đặc hiệu.
1.1 Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu
Xét nghiệm RPR (rapid plasma reagin card test) và VDRL (venereal disease research laboratory) là 2 loại xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu được dùng nhiều trong chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng mẫu máu của người nghi nhiễm giang mai, phân tích và tìm ra kháng thể IgM và IgG kháng lipid. Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu có thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả, vì kháng thể IgM và IgG kháng lipid có thể được tìm thấy ở các tình trạng khác, không liên quan đến giang mai như sốt vi-rút và các bệnh tự miễn dịch khác.
Trong thời kỳ I và II của bệnh giang mai, kết quả xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu có thể là giả (âm tính giả hoặc dương tính giả). Chính vì vậy, người bệnh có triệu chứng giang mai thời kỳ I cần thực hiện lại xét nghiệm sau 2 – 4 tuần để giúp bác sĩ khẳng định tình trạng. Nếu kết quả xét nghiệm không đặc hiệu âm tính sau 3 tháng (kể từ khi triệu chứng nghi nhiễm giang mai xuất hiện) có thể kết luận người nghi nhiễm không mắc bệnh giang mai.
Cho nên thông thường, bác sĩ không sử dụng xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu để chẩn đoán ban đầu cho bệnh giang mai. Mà xét nghiệm sẽ được dùng để theo dõi mức độ đáp ứng điều trị đối với phác đồ điều trị bệnh.
1.2 Xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu
Xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu bao gồm các xét nghiệm chẩn đoán:
- TPHA (treponema pallidum hemagglutionation’s assay).
- TPPA (treponema pallidum particle agglutination assay).
- FTA abs (fluorescent treponema antibody absortion’s test).
Ưu điểm của các xét nghiệm này giúp phát hiện kháng thể kháng lại kháng nguyên giang mai. Mặc dù có thể phát hiện kháng nguyên gây bệnh, nhưng kết quả của xét nghiệm này không phân biệt được kháng nguyên trong huyết thanh có phải chính xác kháng lại giang mai hay các tình trạng tương tự khác (như mụn cóc).
Ngay cả khi người bệnh được điều trị khỏi bệnh, khoảng 85% các trường hợp vẫn cho kết quả xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu dương tính với giang mai. Vì vậy, dựa trên kết quả xét nghiệm đặc hiệu, bác sĩ không phân biệt được người bệnh có đang trong thời gian phát bệnh hay không. Xét nghiệm này thường được chỉ định thực hiện sau khi xét nghiệm không đặc hiệu cho kết quả dương tính.
2. Xét nghiệm trực tiếp
2.1 Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi
Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn dưới kính hiển vi nền đen, sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch tiết từ niêm mạc, hạch, da,… người bệnh. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được gửi đến phòng xét nghiệm và tiến hành soi tìm xoắn khuẩn giang mai dưới dạng các lò xo di động.
Soi tìm xoắn khuẩn giang mai được xem là phương pháp xét nghiệm đặc hiệu nhất để chẩn đoán bệnh. Để đảm bảo độ chính xác, xét nghiệm cần được thực hiện ngay sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, vì xoắn khuẩn giang mai không thể tồn tại lâu khi ra ngoài cơ thể người.
Quy trình lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn dưới kính hiển vi phức tạp, cần được thực hiện bởi nhân viên y tế được tập huấn kỹ thuật này trước đó, quy trình chuyên sâu. Chính vì vậy, xét nghiệm này không có tính ứng dụng cao, mặc dù có thể tìm ra kháng khuẩn chính xác.
2.2 Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA-direct fluorescent antibody)
Tương tự với xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn dưới kính hiển vi, xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang được thực hiện bằng cách nhuộm huỳnh quang mẫu thử và mang đi soi dưới kính hiển vi nền đen. Vì xoắn khuẩn đã được gắn huỳnh quang khi nhuộm nên dễ phát hiện hơn.
Mặc dù độ chính xác cao, tuy nhiên xét nghiệm này vẫn chưa có tính ứng dụng cao vì quy trình lấy mẫu và xét nghiệm yêu cầu kỹ thuật cao. Sử dụng thiết bị và chế phẩm lưu huỳnh đặc biệt. Nên không được ứng dụng rộng rãi tại hầu hết các cơ sở y tế.
2.3 Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs – nucleic acid amplification tests)
Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic sử dụng bệnh phẩm là dịch tiết từ tổn thương da hoặc mô trên cơ thể người bệnh. Sau đó tiến hành xét nghiệm tìm kiếm ADN xoắn khuẩn T.pallidum bằng phản ứng khuếch đại gen. Độ chính xác phụ thuộc vào mẫu thử, chi phí cao nên ít khi được lựa chọn.
3. Xét nghiệm nhanh chẩn đoán giang mai
Xét nghiệm nhanh chẩn đoán giang mai (rapid diagnostic tests) đang được phát triển và ứng dụng nhiều tại các cơ sở y tế. Hiện nay, phương pháp xét nghiệm này được dùng để xét nghiệm sàng lọc giang mai trong cộng động, với các ưu điểm:
- Trả kết quả nhanh trong 10 – 15 phút.
- Có thể tiến hành được ở cơ sở y tế nhiều tuyến khác nhau.
- Độ nhạy cao: 85 – 98%.
- Độ đặc hiệu cao (chính xác): 93 – 98%.
Hiện tại có 3 loại xét nghiệm nhanh được sử dụng trong chẩn đoán bệnh giang mai là: xét nghiệm đặc hiệu, xét nghiệm không đặc hiệu và xét nghiệm phối hợp.
3.1 Xét nghiệm nhanh đặc hiệu
Xét nghiệm nhanh đặc hiệu sử dụng kháng nguyên T.pallidum để phát hiện kháng thể đặc hiệu với giang mai. Về nguyên lý thực hiện, phương pháp này tương tự xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu. Cho kết quả xét nghiệm nhanh dương tính nhưng không thể xác định được chính xác vi khuẩn có đang hoạt động hay không. Nghĩa là một người mắc giang mai đã được điều trị vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính. Chính vì vậy, khi test nhanh đặc hiệu cho kết quả dương tính, cần làm thêm xét nghiệm không đặc hiệu để chẩn đoán chính xác bệnh.
3.2 Xét nghiệm nhanh không đặc hiệu
Xét nghiệm nhanh không đặc hiệu giúp phát hiện kháng thể kháng kháng nguyên cardiolipin. Nguyên lý hoạt động tương tự xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu, nhưng tính ứng dụng cao hơn.
3.3 Xét nghiệm nhanh phối hợp đặc hiệu và không đặc hiệu
Xét nghiệm nhanh phối hợp cho phép bác sĩ vừa sàng lọc vừa chẩn đoán bệnh giang mai ở các trường hợp nghi nhiễm. Tuy nhiên, kết quả của xét nghiệm nhanh phối hợp cần được đánh giá và kiểm định bởi Tổ chức Y tế thế giới trước khi được ứng dụng rộng rãi.
Quy trình xét nghiệm
Tùy theo từng cách xét nghiệm sẽ có những quy trình cụ thể, nhất định, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn về quy trình cụ thể khi lựa chọn. Xét nghiệm bệnh giang mai thường sử dụng mẫu máu, chất lỏng được lấy từ vết loét giang mai hoặc dịch tủy sống. Dịch tủy sống được thu thập bằng một thủ tục đặc biệt gọi là chọc dò tủy sống. Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ là người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm.
Quy trình xét nghiệm thông thường sẽ bao gồm các bước cơ bản sau đây:
- Bước 1: Lấy mẫu xét nghiệm.
- Bước 2: Chuyển mẫu về phòng xét nghiệm.
- Bước 3: Tiến hành phân tích mẫu.
- Bước 4: Trả kết quả.
Sau đó, bác sĩ sẽ đọc và giải thích về kết quả xét nghiệm. Nếu không chắc chắn về kết quả âm tính thông qua test nhanh, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác để có kết luận chính xác. Trong trường hợp kết quả dương tính, dựa trên triệu chứng bác sĩ có thể đánh giá bệnh giang mai đang tiến triển đến giai đoạn nào, có hướng dẫn điều trị cụ thể.
Một số lưu ý cần biết khi xét nghiệm chẩn đoán giang mai
Để đảm bảo quá trình xét nghiệm diễn ra thuận lợi, cho kết quả chính xác, cần lưu ý:
- Thời điểm xét nghiệm tốt nhất là sau 4 – 6 tuần phơi nhiễm, tức giai đoạn sơ cấp, khi bạn vừa xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh.
- Trước khi xét nghiệm người bệnh cần báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc mà mình đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, nếu có.
- Trước khi có kết quả xét nghiệm, nếu nghi mắc giang mai, người bệnh tốt nhất không nên quan hệ.
- Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn giúp người bệnh lựa chọn loại xét nghiệm phù hợp.
- Nếu kết quả âm tính nhưng người bệnh vẫn nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh, hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn thêm.
- Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc giang mai, bác sĩ sẽ lên kế hoặc điều trị, lịch tái khám để theo dõi tiến trình điều trị cho đến khi bệnh được chữa khỏi hoàn toàn.
- Kết quả xét nghiệm là thông tin cá nhân và được bảo mật. Người bệnh có quyền yêu cầu bác sĩ hoặc nhân viên y tế không tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai khác.
Cách đọc kết quả xét nghiệm GM
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ giải thích giúp cho người bệnh hiểu về kết quả và chẩn đoán tình trạng bệnh của từng cá nhân.
- Kết quả “âm tính”: Người bệnh có thể không mắc giang mai. Nhưng nếu người bệnh nằm trong diện nguy cơ cao, bác sĩ nghi ngờ về kết quả hoặc cần thêm thông tin, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện tiếp các xét nghiệm đặc hiệu khác.
- Kết quả “dương tính”: Người bệnh có thể đang hoặc đã từng mắc giang mai. Khi này, bác sĩ cần tiến hành về một vài chẩn đoán bổ sung hoặc xét nghiệm khác để loại trừ nguyên nhân hoặc khẳng định người bệnh có thật sự đang mắc bệnh hay không.
Một số câu hỏi liên quan
1. Xét nghiệm GM bao lâu có kết quả?
Xét nghiệm có kết quả trong vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Xét nghiệm chuyên biệt mất vài ngày mới có thể quả. Trong khi test nhanh có kết quả trong 10 – 15 phút, soi xoắn khuẩn dưới kính hiển vi có kết quả sau 30 – 45 phút.
2. Xét nghiệm GM có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm không cần nhịn ăn. Xét nghiệm được thực hiện dựa trên dịch tiết sang thương, mẫu bệnh phẩm khác hoặc máu,… có thể không bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống.
3. Xét nghiệm GM có đau không?
Xét nghiệm có thể đau nhẹ khi bác sĩ hoặc nhân viên y tế lấy mẫu máu, dịch tủy sống, dịch tiết ở khu vực vết thương. Cơn đau do xét nghiệm nhẹ, thoáng qua, hầu như bạn chỉ có cảm giác như kiến cắn ở vết tiêm.
4. Xét nghiệm GM có chính xác không?
Xét nghiệm có thể cho kết quả không hoàn toàn chính xác ở một vài trường hợp. Xét nghiệm không đặc hiệu có thể cho kết quả âm tính giả ở các trường hợp có triệu chứng hoặc trong diện nguy cơ cao. Kết quả dương tính giả ở người đã điều trị khỏi giang mai. Các chuyên gia y tế khuyên nên đi xét nghiệm sau 4 – 6 tuần phơi nhiễm hoặc 3 tháng nghi nhiễm, đây là thời điểm cho kết quả chính xác nhất.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về 4 cách xét nghiệm giang mai. Bất cứ ai có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc giang mai, nếu trong diện nguy cơ cao, nên đi xét nghiệm sàng lọc giang mai sớm để được điều trị kịp thời. Đời sống tình dục lành mạnh, chung thủy, an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa giang mai và các bệnh lây qua đường tình dục khác.