Từ ngày 3/9/2021, phim Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings: Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân đã được công chiếu tại rạp trên toàn nước Mỹ.
Thu về hơn 80 triệu Đô la Mỹ sau một thời gian ngắn, bom tấn mới cộp mác Marvel này vẫn chưa được phê duyệt lịch công chiếu ở Trung Quốc do vấn đề liên quan tới chủng tộc, và đặc biệt hơn là việc miệt thị ngoại hình diễn viên chính. Vậy đàn ông thời nay thế nào được coi là đẹp trai, hãy cùng Fiesta bàn luận trong bài viết này.
I. Quan điểm trái chiều về chuẩn mực “đẹp trai” được dấy lên từ bộ phim bom tấn mới của Marvel
Trong bài phỏng vấn với tạp chí Men’s Health, Simu Liu, người thủ vai nhân vật Shang-Chi, đã nhắc đến chuyện cư dân mạng Trung Quốc tấn công anh, cho rằng vẻ ngoài của anh “quá xấu xí” so với một vai diễn tầm cỡ của Marvel.
Họ cho rằng ngoại hình của anh không phù hợp với tiêu chuẩn “đẹp”, nam tính trong mắt phần đông dân mạng Trung Quốc hiện nay. Ở Trung Quốc, hiện tại hình mẫu “tiểu thịt tươi” – những nam nghệ sĩ đẹp hơn phụ nữ, với làn da trắng như búp bê, mũi cao, vóc dáng cao ráo và ít cơ bắp thường được ưa chuộng hơn. Trong khi đó, Simu Liu có nét mặt của người châu Á truyền thống, da rám nắng, khuôn mặt đôi phần phong trần và bụi bặm, ngoại hình chắc khoẻ.
II. Nguồn gốc tiêu chuẩn đánh giá độ điển trai của đàn ông hiện nay
1. Tiêu chuẩn đàn ông đẹp trai tại Hàn Quốc
Nếu bạn đã từng theo dõi một video ca nhạc hay một bộ phim Hàn Quốc, chắc hẳn bạn cũng nắm bắt được phần nào khái niệm nhan sắc của nam giới thuộc xứ sở Kim Chi. Tại Hàn Quốc, định nghĩa về vẻ đẹp của nam giới khá khác biệt so với phần lớn các đất nước khác. Vẻ đẹp mạnh mẽ, cường tráng thường không được ưa chuộng. Rất khó để tìm thấy hình tượng một chàng trai với bộ râu rậm rạp, nước da rám nắng và sở hữu cơ bắp cuồn cuộn xuất hiện trên truyền hình tại Hàn Quốc. Thay vào đó, xu hướng nhan sắc của đấng mày râu tại Hàn Quốc thường đạt đủ các tiêu chí bao gồm làn da trắng mịn màng không tì vết, một mái tóc hợp thời (có thể được nhuộm màu sáng như bạch kim hoặc hồng, xanh,…), cơ thể mảnh khảnh, đôi khi hơi yếu đuối. Để lọt mắt nhiều chị em phụ nữ, phần đông các chàng trai còn trông cậy vào phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa nhan sắc của mình. Gọt cằm V-line, bơm mũi tưởng chừng là những thủ thuật chỉ dành cho chị em phụ nữ nhưng tại đây, điều này hoàn toàn bình thường đối với nam giới. Thêm vào đó, một người đàn ông được cho là cuốn hút ở Hàn Quốc có thể phải quen với việc trang điểm như phụ nữ, và tất nhiên họ cũng có quá trình skincare chăm sóc da không khác gì nữ giới. Nam giới Hàn Quốc cũng rất chú trọng vào tủ quần áo của mình, họ ăn mặc hợp thời và chi trả khá nhiều cho các món đồ hàng hiệu.
2. Sự ảnh hưởng của tiêu chuẩn Hàn Quốc tới các nước Châu Á khác
Phải chăng do tầm ảnh hưởng của trào lưu K-Pop trên toàn cầu, netizen Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận về cái đẹp của người Hàn Quốc?
Cũng giống như tại Trung Quốc, chắc chắn rằng cơn sóng K-Pop này cũng góp phần “tẩy não” không ít giới trẻ Việt Nam. Chúng ta không thể phủ nhận việc mỗi thời kỳ đều sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, thay đổi tùy thuộc vào nhận thức của phần đông dân số thời đó. Phần tiếp theo chúng ta cùng bàn luận tới sự thay đổi về tiêu chuẩn đẹp trai của đấng mày râu trong 100 năm qua.
III. Nhìn lại về tiêu chuẩn đàn ông đẹp trai trong 100 năm qua
1. 1900: Thời đại của những tay đô vật
Bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, đấu vật là một môn thể thao được ưa chuộng. Và dĩ nhiên, ngoại hình lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn của những vận động viên trên sàn đấu trở thành chuẩn mực của cái đẹp thời đó. Những chàng vận động viên đấu vật luôn là hình mẫu lý tưởng của những cô gái thời đó và họ đều có vị trí đáng nể trong xã hội.
2. 1910: đàn ông phải quý phái, ra dáng quý ông
Chỉ một thập niên sau đó, chuẩn mực “đẹp trai” thay đổi hoàn toàn do Chiến tranh thế giới thứ I nổ ra. Từ hình tượng người đàn ông vạm vỡ chuyển sang những chàng trai lịch lãm, đỏm dáng trong những bộ suit may đo. Những chàng trai được coi là điển trai hơn thường sở hữu gương mặt thanh thoát, nuôi bộ ria mép bá tước được cắt tỉa tỉ mỉ.
3. 1920: Đẹp trai vẫn cần bóng bẩy nhưng cần cả vẻ tiều tụy
Thời kỳ từ những năm 1920, phụ nữ lại điên đảo những chàng trai có chải chuốt, với mái tóc bóng loáng nhưng lại cần mang vẻ tiều tụy như Rudolph Valentino. Đàn ông thời này nhanh chóng học theo phong cách chải chuốt và ăn vận giống như chàng diễn viên Hollywood điển trai này. Mái tóc bóng loáng, chẻ ngôi kỹ càng, được chải ngược ra sau là “hot trend” thời đó.
4. 1930: Khi bộ ria quyến rũ lên ngôi
Những năm 1930 là thời kỳ hot nhất của ria mép. Thời này, đàn ông còn cao tay hơn khi được lĩnh hội và kết hợp tất cả những tinh hoa của thời trang và tạo hình mấy chục năm trước về làm một. Cái đẹp thời gian này là sự kết hợp của tất cả điều tốt nhất, từ những thân hình cường tráng, cơ bắp, vai rộng hông hẹp, cùng bộ ria của Clark Gable, ngôi sao người Mỹ đỉnh cao vào thời kỳ đó.
5. 1940: Đẹp trai theo tinh thần người lính
Thời kỳ này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Chiến tranh thế giới thứ II. Thế giới hướng về các mặt trận, do đó hình tượng người lính là biểu mẫu quy chuẩn. Đàn ông cần có một lối sống như một người lính thực thụ, và tất nhiên, đẹp trai cũng phải kiểu người lính. Hình ảnh một người lính với mái tóc được cắt tỉa gọn gàng, râu cạo nhẵn nhụi mới được gọi là “đẹp trai”.
6. 1950: kiểu đẹp trai sexy và hoang dại
Đây là thời kỳ trỗi dậy mạnh mẽ của nhạc Rock. Tâm điểm toàn thế giới những năm 1950 không ai khác, chính là người đàn ông của năm, ông hoàng Elvis Presley. Vẻ điển trai, phong trần của Elvis là tiêu chuẩn mới cho mọi người đàn ông. Sự quyến rũ trong từng bước nhảy và điệu cười “khinh khỉnh” huyền thoại của Elvis chính là xu hướng mới chứng tỏ “đẹp trai”.
Song song trong thời kỳ này còn một xu hướng, chuẩn mực “đẹp trai” khác mang “tinh thần nổi loạn”. Người khơi dậy chuẩn mực này chính là ngôi sao của bộ phim The wild one, Marlon Brando, khi anh đem đến một hình ảnh hoang dại phong trần, ngồi trên những chiếc mô-tô to với áo khoác da mà đến giờ vẫn chưa hết hot. Đàn ông với phong cách này tự gọi mình bằng cái tên “Tough boys”. Đây là khởi nguồn của phong cách vintage tới giờ vẫn còn được ưa chuộng.
7. 1960: chàng nghệ sĩ với những bản nhạc đau khổ, da nâu gợi cảm, đôi mắt đa tình
Vào đầu thập niên 1960, Alain Delon là hiện tượng mới. Với combo gồm làn da nâu, cơ thể săn chắc nhưng không “xôi thịt”, kết hợp hoàn hảo với khuôn mặt baby và đôi mắt xanh gợi tình là thước đo chuẩn mực đánh giá độ điển trai của đàn ông thời này.
Tuy nhiên đến cuối thập niên 1960, chị em lại đổi gu hoàn toàn. Jim Morrison, thủ lĩnh của ban nhạc The Doors trở thành hình mẫu lý tưởng với tinh thần tự do phóng khoáng.
8. 1970: Hello, cơ bắp của anh đứng đây từ chiều!
Giống với những năm 1900, thập niên 70 đánh dấu sự trở lại của những múi cơ rắn chắc. Hình tượng Arnold Schwarzenegger được tôn sùng như một vị thần vì cơ bắp của anh ấy. Phụ nữ đổ đứ đừ với khối cơ bắp đồ sộ của những anh chàng có thân hình vạm vỡ này.
9. 1980: Đô con nhưng “vừa đủ xài”
Không cần những bó cơ quá đồ sộ mà chỉ cần rắn chắc, hình thể “đủ dùng”. Vẻ đẹp trai thời này được toát lên từ người đàn ông có cơ thể khỏe mạnh, nam tính. Bộ phim truyền hình Baywatch cùng với sự xuất hiện của những cơ thể nam giới rắn chắc và làn da rám nắng trở thành định nghĩa của sự đẹp trai mà nhà nhà đều mê. Đây cũng là lý do chính đáng để nam giới chăm chỉ rèn luyện thân thể.
10. 1990: Đẹp trai là phải “bất cần đời”
Thập niên 90, văn hóa Rock Grunge đã khai sinh ra một thế hệ với tư tưởng tự do. Hưởng ứng làn sóng Grunge, vẻ đẹp ngoại hình ít được coi trọng hơn do tư tưởng phóng khoáng, ít để tâm người khác nghĩ mình ra sao. Kurt Cobain, trưởng nhóm nhạc Nirvana, đại diện của hình mẫu đàn ông vào thời kỳ đó với vẻ đẹp trai lãng tử, thái độ ngông ngông, bất cần đời, đôi khi luộm thuộm và phong trần rất nghệ sĩ.
11. 2000: Thời đại đẹp trai mới theo kiểu metrosexual
Những năm đầu của thế kỷ mới, thế giới chứng kiến một sự thay đổi mới rõ rệt trong chuẩn mực đánh giá độ đẹp trai của đàn ông. Không có gì xa lạ khi David Beckham chính là hình mẫu cho chuẩn mực này. Đàn ông cần có thân hình rắn chắc, và cần biết cách chăm chút ngoại hình. Từ những năm 2000, phái mạnh dành nhiều thời gian hơn để chải chuốt nhiều kiểu tóc và ăn vận những bộ quần áo đắt tiền, may đo tôn dáng. Beckham đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của số đông về đàn ông, đặc biệt là về hình tượng người vận động viên thể thao cho đến tận ngày nay.
12. 2010: Sự trở lại của phong cách những thập niên 1960
Lịch sử dường như đều có vòng lặp, giá trị cổ điển của những năm 60 lại quay trở lại và phát triển mạnh mẽ, khái niệm thẩm mỹ của nam giới năm 2010 phản ánh dáng dấp từ những năm 1960. Những người đàn ông đẹp trai cần có kiểu tóc gọn ghẽ, khuôn mặt phóng khoáng nhưng vẫn có phần baby, ngoại hình săn chắc không cần quá cường tráng, hoạt bát vui vẻ và điểm cộng là một chút hình xăm trên một cơ thể.
13. 2020: Đẹp trai kiểu tiều phu Lumbersexuality
Bắt đầu từ 2015 đến nay, cả đàn ông và phụ nữ tôn sùng sự đẹp trai với phong cách mạnh mẽ cổ điển. Đàn ông vẫn cần biết chải chuốt, nhưng cần chải chuốt theo kiểu phong trần, như là hình tượng của một anh chàng tiều phu với cơ thể khỏe mạnh, kiểu tóc man bun vuốt ngược kèm với một bộ râu quai nón rậm rạp.
Điểm qua tiêu chuẩn đẹp trai của đàn ông trong hơn 100 năm, chúng ta có thể thấy rằng đại bộ phận đàn ông và phụ nữ vẫn tôn sùng quy luật chung và vòng lặp của chuẩn mực thế giới mà ở đây, người đàn ông đậm chất nam tính và bên cạnh đó một phần tính nữ được cho phép trong chừng mực. Tóm lại, đàn ông cần biết chải chuốt, nắm vững điểm mạnh của cơ thể bản thân và biết cách ăn mặc tôn dáng.
Tham khảo thêm: Mách nhỏ các quý ông cách mặc vest trẻ trung không lo già so với tuổi (fiestavietnam.com)