Vô sinh thường do các vấn đề về phóng tinh, không có hoặc số lượng tinh trùng ít, hoặc hình dạng và chuyển động tinh trùng bất thường. Khám sức khỏe nam giới sẽ giúp tầm soát, sàng lọc và phát hiện ra nguyên nhân gây vô sinh hoặc các tác nhân có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản trong cơ thể. Cùng tìm hiểu khám sức khỏe sinh sản nam có quan trọng không và các lưu ý cần biết khi khám trong bài viết Fiesta chia sẻ dưới đây.
Khám sức khỏe sinh sản nam giới là gì?
Khám sức khỏe nam giới là kiểm tra tình trạng sức khỏe của cánh mày râu để tầm soát và sàng lọc ra các dấu hiệu bất thường. Qua đó, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá chuyên sâu giúp điều trị kịp thời những bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hoặc gây vô sinh ở nam giới.
Khám sức khỏe sinh sản nam giới có quan trọng không?
Khám sức khỏe sinh sản nam giới không chỉ là một bài test khoa học mà còn có giá trị không chỉ đối với nam giới mà còn đối với bạn đời, gia đình và xã hội. Ý nghĩa của việc khám sức khỏe nam giới bao gồm:
- Sàng lọc và phát hiện các bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục như: HIV, bệnh lậu, sùi mào gà, giang mai,…
- Dự đoán và tầm soát nguy cơ mắc bệnh ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, để chủ thể chủ động trong phòng tránh và điều trị bệnh.
- Kiểm tra và đánh giá khả năng sinh sản, cũng như chức năng sinh dục của nam giới.
- Phát hiện các nguyên nhân gây hiếm muộn từ sớm, từ đó xác định phương hướng điều trị hiệu quả.
- Sàng lọc và tầm soát các bệnh di truyền có khả năng truyền cho các thế hệ sau.
Nam giới độ tuổi nào nên khám sức khỏe sinh sản?
Độ tuổi nên khám sức khỏe sinh sản bắt đầu có khả năng sinh sản cho đến khi kết hôn, vì vậy nam giới từ 18 tuổi trở lên nên khám sức khỏe sinh sản. Bác sĩ khuyến cáo nam giới nên đi khám tối thiểu từ 3 – 6 tháng trước khi có ý định sinh em bé.
Kiểm tra sức khỏe sinh sản nam gồm những gì?
Kiểm tra sức khỏe sinh sản nam bao gồm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, đồng thời sử dụng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm để kiểm tra và phân tích chuyên sâu.
1. Khám tổng quát
Bác sĩ sẽ bắt đầu khám tổng quát bằng cách đặt ra những câu hỏi về lối sống và tiền sử bệnh tật, chẳng hạn như:
- Tiền sử bệnh tật.
- Các loại thuốc đã và đang sử dụng.
- Thói quen vận động.
Nên thông tin đến bác sĩ mọi chi tiết về thói quen sống, kể cả việc hút thuốc hoặc đời sống tình dục, bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nào bạn đã hoặc đang gặp phải (STI).
2. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng có thể phát hiện ra giãn tĩnh mạch thừng tinh – là tình trạng các tĩnh mạch thừng tinh và tĩnh mạch sinh tinh nằm phía trên tinh hoàn bị giãn.
3. Siêu âm trực tràng
Hình ảnh siêu âm trực tràng giúp bác sĩ kiểm tra tuyến tiền liệt và kiểm tra xem có tắc nghẽn trong hệ thống dẫn tinh hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ cần can thiệp phẫu thuật.
4. Siêu âm ổ bụng
Siêu âm bụng có thể được sử dụng để đánh giá kích thước và vị trí của các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng. Bác sĩ cũng có thể sử dụng để kiểm tra bụng của bạn nếu có các dấu hiệu liên quan đến u nang, khối u, áp xe, tắc nghẽn, tụ dịch bụng, cục máu đông hoặc nhiễm trùng,…Siêu âm bụng cũng được sử dụng để đo kích thước động mạch chủ bụng nhằm phát hiện chứng phình động mạch chủ.
Sỏi trong túi mật, thận và niệu quản cũng có thể được phát hiện bằng siêu âm. Ngoài ra, siêu âm bụng có thể được thực hiện để giúp đặt kim khi sinh thiết mô bụng hoặc hút dịch từ u nang hoặc áp xe. Siêu âm bụng cũng có thể được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu đến các cấu trúc khác nhau trong bụng hoặc xác định các tình trạng khác.
5. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu tổng quát giúp sàng lọc một số bệnh lý ngay giai đoạn rất sớm, từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. Kết hợp với các thông tin sức khỏe từ tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định tình trạng sức khỏe hiện tại, từ đó điều chỉnh hướng khắc phục hoặc điều trị, và tư vấn về các biện pháp phòng ngừa để người bệnh bảo vệ sức khỏe trong tương lai tốt hơn. Từ việc hiểu hơn về tình trạng cơ thể, người bệnh sẽ sắp xếp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi phù hợp, tăng cường sức khỏe.
6. Xét nghiệm nước tiểu
Dùng để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Hệ thống đường tiết niệu dưới khi viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống đường dẫn tinh làm suy giảm khả năng sinh sản của nam giới.
7. Xét nghiệm các bệnh di truyền
Những bất thường về vấn đề di truyền được tìm thấy ở 10% – 20% nam giới có tinh dịch đồ bất thường. Xét nghiệm di truyền được thực hiện để kiểm tra các bất thường về nhiễm sắc thể, DNA, đặc biệt ở nam giới bị vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch) hoặc thiểu tinh (số lượng tinh trùng thấp).
Kết quả xét nghiệm có thể giúp xác định những trở ngại cụ thể đối với khả năng sinh sản và các vấn đề về tinh trùng ở nam giới, và giảm bớt các phương pháp điều trị y tế hoặc phẫu thuật không cần thiết để người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
8. Khám sức khỏe sinh sản
Sau khi bác sĩ tư vấn về vấn đề cơ bản như: sinh lý của cơ quan sinh dục nam giới, cơ chế của việc thụ tinh và mang thai, các biện pháp tình dục an toàn, những hiện tượng rối loạn tình dục, cách phòng tránh các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)…, nam giới sẽ được chỉ định khám, làm một số xét nghiệm cần thiết.
9. Khám bộ phận sinh dục
Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm bìu bằng một đầu dò cầm tay sẽ được quét qua tinh hoàn. Quá trình quét sử dụng sóng âm thanh tần số cao để kiểm tra tình trạng xoắn tinh hoàn và giãn tĩnh mạch thừng tinh. Mặc dù nhiều người đàn ông trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh và không bao giờ quan tâm đến bệnh, nhưng nếu họ đang phải đối mặt với tình trạng vô sinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
10. Kiểm tra nội tiết tố sinh dục
Testosterone và các hormone khác kiểm soát việc tạo ra tinh trùng. Việc kiểm tra nội tiết tố sinh dục giúp kiểm tra khả năng sinh sản trong tương lai.
11. Xét nghiệm tinh dịch đồ, dịch niệu đạo
Bác sĩ sẽ kiểm tra số lượng, hình dạng, chuyển động của tinh trùng và các đặc điểm khác. Nói chung nếu bạn có số lượng, chất lượng tinh trùng tốt, thì bạn sẽ có sức khỏe sinh sản tốt. Nếu phân tích tinh dịch đầu tiên là bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai để xác nhận kết quả.
Bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm để chẩn bệnh. Nếu bạn hoàn toàn không có tinh dịch hoặc tinh trùng, đó có thể là do hệ thống dẫn tinh bị tắc nghẽn và có thể khắc phục bằng cách phẫu thuật.
Khám sức khỏe sinh sản nam giới có lâu không?
Tùy thuộc vào cơ địa, tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần thực hiện bao nhiêu xét nghiệm. Nếu phát hiện được các yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ gây vô sinh thì số lượng xét nghiệm sẽ càng nhiều và thời gian khám theo đó cũng tăng lên.
Ngược lại, khi tình trạng sức khỏe sinh sản ổn định, thông thường bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng và thực hiện ít xét nghiệm hơn, vì vậy không tốn nhiều thời gian thăm khám.
Cần lưu ý những gì trong quá trình khám sức khỏe sinh sản ở nam giới
Khi tiến hành khám sức khỏe sinh sản nam giới, bạn cần tìm hiểu trước nội dung khám và những lưu ý:
- Tránh quan hệ tình dục ít nhất 3 ngày trước khi tới thăm khám sức khỏe sinh sản. Điều này đảm bảo chất lượng tinh trùng chính xác nhất trong quá trình phân tích.
- Mang theo sổ khám và hồ sơ bệnh án (nếu có), đặc biệt là những thông tin liên quan đến bộ phận sinh dục, để giúp bác sĩ đưa ra khuyến cáo và phân tích kết quả khám tốt hơn.
- Trước khi khám không sử dụng chất kích thích (rượu, bia…).
- Thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải. Dù đây là vấn đề khá nhạy cảm mà đa số nam giới đều ngại đề cập đến nhưng cần phải giải quyết các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Những thông tin bạn cung cấp cùng với những biện pháp phòng ngừa cần thiết sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất tình trạng sức khỏe của bạn và đưa ra kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí khám sức khỏe sinh sản nam giới
Khi đến khám sức khỏe sinh sản nam giới, một trong những vấn đề được người bệnh quan tâm nhất chính là chi phí khám bệnh. Trên thực tế, chi phí khám sức khỏe ở mỗi địa điểm sẽ khác nhau và phụ thuộc vào cơ sở vật chất, dịch vụ cũng như tình trạng bệnh lý của mỗi người, cụ thể như sau:
1. Tình trạng thể chất
Đối với những người được khám sức khỏe sinh sản định kỳ và phát hiện bệnh càng sớm thì chi phí khám chữa bệnh sẽ tiết kiệm hơn, điều trị sớm khỏi bệnh.
2. Thủ thuật thăm khám
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán và kết luận tình trạng, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.
3. Nhu cầu khám bệnh
Nhu cầu khám sức khỏe của mỗi người là khác nhau nên chi phí khám và kiểm tra, xét nghiệm cũng khác nhau. So với gói dịch vụ kiểm tra thông thường và gói kiểm tra chuyên sâu thì mức giá chênh lệch lớn.
4. Các loại bệnh cụ thể
Các bệnh lý ở nam giới rất đa dạng, đa số nam giới đều mắc các bệnh về bao quy đầu, tuyến tiền liệt, tinh hoàn… Mỗi cơ quan có chức năng, cấu tạo khác nhau nên cần áp dụng các kỹ thuật và phương pháp điều trị phù hợp. Điều này tạo ra sự chênh lệch trong mức giá khám.
5. Phương pháp điều trị bệnh
Sau khi được bác sĩ chẩn đoán, nam giới có sức khỏe bình thường, không có bệnh tật thì không cần trị liệu. Trong quá trình khám, nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị triệt để cho bệnh nhân và chi phí khám cũng sẽ khác nhau.
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy trình khám sức khỏe sinh sản nam giới và những biện pháp phòng ngừa. Hy vọng các quý ông đã hiểu thêm về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe sinh sản và có kế hoạch khám sớm để tầm soát bệnh và điều trị kịp thời, bảo toàn khả năng sinh sản.